Nguyễn Lữ nhà Tây Sơn quan sát các thế đá của gà chọi mà tạo ra bài võ Hùng kê quyền trứ danh cho thấy sự phát triển của đá gà ở nước ta.
Gà cũng có giống có dòng, giống gà nòi “bách chiến bách thắng” ở dải đất ven biển miệt Bình Định, Phú Yên từ bao đời nay vang danh thiên hạ.
Gà đá nơi đây “hay” đến độ được xuất khẩu ào ạt sang Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Đá gà chính là hình thức “luyện” gà tốt nhất.
Mà nguyên tắc: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, nên muốn luyện gà chỉ có cách định kỳ hằng tuần các “lò” gà tổ chức so tài với nhau tại trường đấu.
Vì thế các trường đấu gà dân gian mọc lên rất nhiều. Kinh nghiệm nuôi gà nòi và nhân giống có chọn lọc trong dân gian là hết sức phong phú.
Nó giống như một mạch ngầm, lưu giữ những nguồn gen quý, không cho bị lai tạp. Đến ngày hôm nay, nuôi gà đá trở thành phong trào rộng khắp, từ quy mô trang trại đến phân tán, nhỏ lẻ.
Xếp hạng “đại gia” nuôi gà đá có hơn 30 gương mặt nổi bật, thuộc hạng “vua biết mặt, chúa biết tên”.
Nghề luyện gà chọi cũng lăm công phu
Một tay nuôi gà đá muốn trở thành một sư kê có tên tuổi thì phải biết tạo ra dòng gà của riêng mình.
“Cho nên phải sống trên vùng đất có truyền thống, kế thừa được kinh nghiệm, học hỏi được bí kíp mới tạo được danh tiếng”, anh Nguyễn Thừa, người có thâm niên 30 năm chơi gà đá ở phường 9, TP Tuy Hòa phân tích.
Là người có tiềm lực, nhưng anh cũng chỉ gầy dựng một trang trại khiêm tốn với vốn đầu tư khoảng 100 triệu đồng, nuôi chừng 60 con trở lại. Thế nhưng đó là những con chiến kê thật sự.
Bí kíp nuôi gà đá chính là chọn được con mái nòi có đủ các tướng tốt cho phối hợp với trống nòi thắng độ, đúc ra bầy con giống.
Từ bầy giống đó tiếp tục chọn lựa tạo ra con giống mới, qua vài ba thế hệ ghi chép “kê phả” đầy đủ, nhiều khi mất cả chục năm mới đúc kết được một con mái gốc.
Chỉ những người có mắt tinh đời, lão luyện mới thấy hết đặc tính của một con mái gốc tạo ra các trường phái riêng lừng lẫy như: tiều phu đốn củi, nhơn đầu hổ, thiết diện vô tình…
Mỗi trường phái có đòn độc, đòn hiểm riêng như đá sỏ ngang, đá mé, đá chém, hồi mã thương…
Đòn thế hay do chính con mái nòi truyền cho đàn con, nên mới có câu: chó giống cha, gà giống mẹ.
Một con mái tốt chỉ đẻ mỗi lứa chừng 7 trứng, con nào đẻ trên 10 trứng coi như gà lai, đều bị loại bỏ. Trứng phải do chính gà mẹ ấp, không cho ấp trứng nhân tạo.
Dòng gà mái này chỉ được nuôi trong gia đình, dòng tộc, coi như “gia bảo”, tuyệt đối không bán, không cho lưu truyền ra ngoài.
Gặp con gà có các thế hiểm như đâm lườn, xỏ dĩa (chui từ bụng lên cánh, giắt ót đá), điệu hổ ly sơn (chạy kiệu), đóng trụ cầu (trên lưng đá dập xuống)…
Có thể ngay trong một, hai hiệp đầu làm cho gà đối phương mù mắt, gãy cổ, bể lườn, rớt mỏ; con gà đó lập tức được định giá bán tăng cả chục lần.
Người mua tùy theo thương hiệu trường phái và chiến tích từng con mà có thể trả giá từ chục triệu đến vài chục triệu đồng, có con từng được bán với giá kỷ lục 120 triệu đồng (năm 2008).
Những con chiến kê có giá cao ngất ngưởng đó thường được các tay chơi gà Trung Quốc mua. Có cả chục người như thế với những cái tên quen thuộc như A Châu, A Hòa, Thái San… thường xuyên có mặt tại các trại gà, trường gà ở Phú Yên, sẵn sàng vung tiền mua những con gà độc, đem về tung hoành tại các trường gà lớn ở Quảng Đông, Quảng Tây, kể cả Hồng Kông và Ma Cao.
Cũng cần nói rõ với loại gà thuộc hàng “xô” (chưa có chiến tích), các thương lái Việt Nam thu mua số lượng lớn với giá từ 500 ngàn tới 1 triệu đồng/con, sau khi làm công tác kiểm dịch, vận chuyển ra tận cửa khẩu biên giới phía Bắc, xuất cho thị trường Trung Quốc dưới dạng hợp đồng bao tiêu.