Như thành thông lệ, đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, những người chăn nuôi gà chuyên nghiệp lại bắt đầu quá trình vỗ béo đàn gà để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
Bắt tay vào nuôi gà từ năm 2014, đến nay hộ gia đình ông Đỗ Đình Thế ở tổ 2, khu 10, phường Thanh Sơn, TP. Uông Bí, Quảng Ninh nổi tiếng là người nuôi gà thả vườn mát tay.
Ngồi ngắm đàn gà lông màu đỏ rực 10.000 con đang vào giai đoạn xuất bán mà ông tâm đắc với quyết định 6 năm về trước của mình. Ông Thế chia sẻ, ông công tác tại Công ty Sông Đà 10 đã nhiều năm và về nghỉ chế độ từ năm 2013. Năm 2014 rảnh rỗi ở nhà, ông và vợ bắt tay vào nghề nuôi gà thả vườn.
Năm 2020 được đánh giá là năm khó khăn với người nuôi gà lông màu bởi ảnh hưởng của nguồn cung quá lớn cộng dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ gà bị chậm, song gia đình ông Thế vẫn túc tắc bán được gà với giá khá tốt và đảm bảo lợi nhuận.
Muốn chăn nuôi có lợi nhuận, theo ông Thế cần 2 yếu tố tiên quyết, một là tối ưu chi phí sản xuất. Chi phí sản xuất ở đây không chỉ có tiền cám, con giống mà còn liên quan rất lớn đến việc áp dụng chặt chẽ lịch vắc xin phòng bệnh, giảm tỷ lệ chết, tỷ lệ loại thải. Ngoài ra cần bổ sung thêm cho gà các sản phẩm bổ trợ như men sống, enzyme, vitamin tổng hợp để tăng cường hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm FCR. Gà khoẻ mạnh, ít bệnh tật, ăn tốt, hấp thu tốt thì chi phí sản xuất mới tối ưu được.
Yếu tố thứ 2 và cũng là bí quyết của ông Thế nằm hết ở giai đoạn vỗ béo cho gà trước khi xuất bán. Đến cận ngày xuất bán gà phải đạt cân là yếu tố tiên quyết, lườn phải dày, thịt phải chắc.
Muốn làm được điều này theo ông Thế không quá khó, nhưng cần phải nắm rõ chất nào cần bổ sung thêm để gà phát triển cơ, mà không tích nước. Thương lái mua một lần chất lượng kém là lần sau họ từ mặt ngay, không nhận mua nữa. Kinh nghiệm của ông cho thấy sử dụng đạm thuỷ phân là tốt nhất, gà lớn nhanh, mà chất lượng thịt thì không phải bàn cãi.